Sau các tutorial về AI/ML model ra mắt cuối năm 2022 gồm Chuyển giọng nói thành văn bản với OpenAI whisper và tạo ảnh từ văn bản với Stable Diffusion 2.0, mình tiếp nối chuyên mục này với bài hướng dẫn chi tiết về ChatGPT – công cụ được nói đến rầm rộ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội về tương lai của AI thay thế nhiều công việc của con người. Chúc các bạn đọc một năm mới Quý Mão mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công ❤️.
I. Giới thiệu
1.1. Chat GPT là gì ?
ChatGPT viết tắt của “Chat Generative Pre-training Transformer” là một công cụ máy học phát triển bởi OpenAI. Đây là một loại mạng thần kinh (neural network) được huấn luyện trên một tập dữ liệu văn bản khổng lồ, cho phép nó tạo ra các phản ứng giống như con người theo yêu cầu của người sử dụng. Nó có thể tạo ra văn bản tự động và trả lời câu hỏi, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như tạo ra bài viết blog hoặc cuộc trò chuyện tự động.
ChatGPT chính thức ra mắt vào 30/11/2022 và tạo ra chấn động trong cộng đồng công nghệ thế giới về khả năng của nó và đạt kỷ lục khi chỉ mất 5 ngày để thu hút 1 triệu người dùng.
1.2. ChatGPT có thể làm gì?
Một trong những lợi thế chính của ChatGPT xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tạo ra các văn bản dựa trên mô hình được đào tạo dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ. Dưới đây là một số ứng dụng nổi bật của ChatGPT:
- Sáng tạo nội dung
ChatGPT có khả năng tạo hiểu ngôn ngữ tự nhiên và tạo ra văn bản trong nhiều ngữ cảnh. Các nội dung văn bản do ChatGPT tạo ra tinh vi như thể do con người viết. Một số ứng dụng trong lĩnh vực sáng tạo nổi bật như sáng tác thơ, viết truyện và thậm chí sáng tác nhạc. Ngoài ra ChatGPT cũng được sử dụng rộng rãi để tóm tắt văn bản, dịch ngôn ngữ, và trả lời câu hỏi như một “trợ lý AI”. - Tạo ảnh nghệ thuật với AI
Từ khi ra mắt DALLE-2, Midjourney, Stable Diffusion, các công cụ tạo ảnh AI đã đi đầu trong việc tạo ra các hình ảnh nghệ thuật. ChatGPT có tiềm năng lớn trong việc tạo ra các mô tả nghệ thuật để ra lệnh cho công cụ tạo ảnh AI với khả năng tưởng tượng phong phú và mức độ chi tiết đáng kinh ngạc. - Lập trình và sửa lỗi
Bạn có thể yêu cầu ChatGPT lập trình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, dịch qua lại giữa các ngôn ngữ lập trình, giải thích thuật toán và giúp lập trình viên gỡ lỗi cho phần mềm của mình. Hãy thử nghiệm ChatGPT cho các dự án lập trình với Python, JavaScript, hay soạn thảo SQL và viết hàm Excel để bắt đầu, đảm bảo bạn sẽ ngạc nhiên với khả năng của ChatGPT. - Quản lý và phân tích dữ liệu
Dữ liệu phi cấu trúc gây ra nhiều khó khăn trong việc phân loại, quản lý và phân tích. ChatGPT có thể giải cứu chúng ta trong những tác vụ đau đầu này với việc chuyển đổi dữ liệu phi cấu trúc thành dữ liệu có cấu trúc một cách dễ dàng. Hãy khám phá khả năng xử lý dữ liệu của ChatGPT bắt đầu với table và JSON để tìm hiểu thêm. - Giải thích và phụ đạo
Thật thú vị khi ChatGPT có thể giải thích từ ngữ, các đoạn mã trong lập trình hay vật lý tốt như thế nào. Khi khả năng gia sư AI của ChatGPT được phát triển và trở nên hoàn thiện hơn trong thời gian tới, nó có thể thay đổi đáng kể cách người học tương tác với thế giới bên ngoài và hỗ trợ nhiều trong việc tự học. Đối với các học viên tham gia lớp Python ứng dụng, tôi luôn khuyến khích các bạn sử dụng kèm ChatGPT để cải thiện khả năng lập trình, giải thích cách viết code và tự học data analysis phục vụ cho công việc của mình.
Bạn có thể tham khảo các câu lệnh/demo tuyệt vời được thử nghiệm với ChatGPT tại đây.
1.3. Hạn chế của ChatGPT
ChatGPT, giống như bất kỳ mô hình học máy nào, có những hạn chế về khả năng và hiệu suất của nó. Một số hạn chế của ChatGPT bao gồm:
- Thành kiến dữ liệu (data bias): ChatGPT được đào tạo trên một tập dữ liệu văn bản lớn, điều này có thể dẫn đến sự sai lệch trong cách hiểu và tạo văn bản. Ví dụ: nếu dữ liệu đào tạo chứa ngôn ngữ phân biệt đối xử hoặc có tính thiên kiến, ChatGPT có thể sao chép và phổ biến những thành kiến này trong sản phẩm đầu ra của nó.
- Thiếu hiểu biết về các lý luận của thế giới con người (common sense): ChatGPT được đào tạo dựa trên dữ liệu văn bản và không được thiết kế để hiểu thế giới thực và lý lẽ của con người. Điều này có nghĩa là nó có thể không hiểu ngữ cảnh hoặc đưa ra những suy luận trông có vẻ hợp lý nhưng không chính xác. Điều này con người chúng ta có thể nhận biết rõ ràng nhưng đối với công cụ như ChatGPT thì không đơn giản như vậy.
- Hiểu biết hạn chế về thành ngữ và châm biếm: ChatGPT đã được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản, nhưng nó có thể không hiểu nghĩa bóng của các thành ngữ hoặc châm biếm, đó là một đặc điểm chung của ngôn ngữ loài người.
- Tính đa dạng hạn chế trong văn bản được tạo: ChatGPT được đào tạo trên một bộ dữ liệu văn bản khổng lồ, nhưng nó có thể tạo ra các phản hồi lặp lại hoặc tương tự nếu đầu vào quá giống nhau.
- Chất lượng của đầu vào quyết định chất lượng đầu ra: Chất lượng của đầu vào cũng ảnh hưởng đến chất lượng của đầu ra do ChatGPT tạo ra, điều này có nghĩa là nếu đầu vào được cung cấp không rõ ràng hoặc không chính xác thì đầu ra do ChatGPT tạo ra cũng có thể không chính xác.
- Yêu cầu cao về bộ nhớ và tính toán: ChatGPT là một neural network (mạng thần kinh) lớn và yêu cầu tài nguyên tính toán đáng kể để chạy. Điều này có thể gây khó khăn cho việc triển khai ChatGPT trên các thiết bị với môi trường sử dụng hạn chế về tài nguyên.
- Mối quan ngại về đạo đức: Khả năng ChatGPT tạo văn bản giống con người làm tăng mối lo ngại về đạo đức, chẳng hạn như khả năng tạo nội dung giả mạo hoặc lan truyền thông tin sai lệch. Ngoài ra cộng đồng mạng cũng dấy lên lo ngại người học sẽ sử dụng ChatGPT để gian lận trong việc soạn thảo các bài luận, giải bài tập hay vượt qua các vòng phỏng vấn.
- Khả năng diễn giải hạn chế: ChatGPT là một mô hình học sâu (deep learning) và rất khó để hiểu cách nó đưa ra quyết định. Điều này gây khó khăn cho việc xác định và sửa lỗi.
- Dữ liệu được đào tạo cho mô hình có độ trễ lớn
Kiến thức mà ChatGPT được đào tạo dựa trên dữ liệu cập nhật đến năm 2021 do đó có nhiều hạn chế trong việc cung cấp phản hồi cho những yêu cầu trong thời gian thực mới nhất.
Bạn có thể tham khảo danh sách các lỗi/hạn chế của ChatGPT được người dùng phát hiện và tổng hợp tại đây.
1.4. So sánh ChatGPT với Google Tìm kiếm
ChatGPT và Google Search đều là những công cụ mạnh mẽ trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), nhưng chúng được thiết kế cho các mục đích khác nhau và có những điểm mạnh khác nhau.
# | Tiêu chí | Google Tìm kiếm | ChatGPT |
1 | Chức năng | Trả về các kết quả phù hợp nhất từ hàng tỷ trang web bằng cách sử dụng một thuật toán phức tạp để xếp hạng thông tin. | Tạo ra các văn bản một cách tinh vi như con người viết nên, sử dụng trong nhiều ngữ cảnh dựa trên yêu cầu từ người dùng (prompt). |
2 | Mục đích sử dụng | Sử dụng để tìm kiếm thông tin trên internet. | Sử dụng cho các tác vụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên như dịch ngôn ngữ, tóm tắt văn bản, trả lời câu hỏi và cũng có thể tinh chỉnh cho các tác vụ cụ thể như sáng tạo nội dung, lập trình, vv. |
Đứng ở góc độ một người dùng, tôi cho rằng ChatGPT không hoàn toàn thay thế Google Tìm kiếm nhưng nó giúp giải quyết nhiều vấn đề theo trực tiếp, nhanh chóng và có chất lượng cao một cách bất ngờ. Sự ra đời của ChatGPT mở ra cách thức làm việc hoàn toàn mới trong thời đại AI cho tất cả mọi người, thay vì mất thời gian tìm kiếm và tự tổng hợp thông tin để giải quyết vấn đề của mình, người dùng có thể hỏi ChatGPT để có ngay câu trả lời.
Microsoft Corp (MSFT.O) đang đàm phán để đầu tư 10 tỷ đô la vào OpenAI, chủ sở hữu của ChatGPT như một phần tài trợ sẽ định giá công ty ở mức 29 tỷ đô la. Theo các nguồn tin, gã khổng lồ công nghệ này dự kiến tích hợp ChatGPT vào các công cụ hiện tại của bộ ứng dụng Microsoft 365 lẫn công cụ tìm kiếm Bing. Đây cũng chính là một tương lai không mất sáng lạn, đe doạ sự thống trị trong mảng tìm kiếm và quảng cáo của Google. Các lãnh đạo Google đã tìm kiếm sự giúp đỡ của hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin trong cuộc chiến A.I khốc liệt.
1.5. Sử dụng ChatGPT có tốn phí không?
ChatGPT Jan 9 Version. Free Research Preview. Our goal is to make AI systems more natural and safe to interact with. Your feedback will help us improve.
Phiên bản hiện tại ChatGPT được phát hành vào ngày 9/1 vẫn trong giai đoạn thử nghiệm beta và hoàn toàn không tốn phí. Đổi lại dữ liệu do người dùng cung cấp và phản hồi của người dùng giúp OpenAI tinh chỉnh mô hình máy học của họ. Trong tương lai gần, OpenAI sẽ sớm tính phí cho công cụ ChatGPT của họ thông qua phiên bản ChatGPT Professional.
II. Hướng dẫn sử dụng ChatGPT
2.1. Đăng ký tài khoản ChatGPT như thế nào?
Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia được OpenAI cung cấp dịch vụ chính thức. Do đó, để có thể sử dụng ChatGPT bạn cần đăng ký và kích hoạt tài khoản OpenAI thông qua dịch vụ VPN sử dụng địa chỉ IP ở các quốc gia được hỗ trợ. Sau khi kích hoạt tài khoản thành công với số điện thoại xác thực từ các quốc gia được hỗ trợ, bạn có thể đăng nhập và sử dụng ChatGPT qua trình duyệt web như Chrome, Safari mà hoàn toàn không cần thông qua VPN.
Theo kinh nghiệm của tôi, để đăng ký tài khoản OpenAI, bạn cần thực hiện qua các bước như sau:
- Sử dụng VPN với địa chỉ IP từ các quốc gia từ Mỹ, châu Âu để truy cập OpenAI. Bạn có thể dùng tính năng VPN của trình duyệt Opera (trên máy tính hoặc smartphone). Nếu không thể qua mắt OpenAI bằng trình duyệt Opera, bạn có thể thử một số tuỳ chọn thay thế với các trình duyệt web trên smartphone có hỗ trợ VPN như Aloha browser (mình mới thử đăng ký ngày 30/1/2023 vẫn thành công).
- Xác thực tài khoản bằng đường link được gửi đến email từ OpenAI trong khi dùng VPN. Ở bước này bạn sẽ được yêu cầu nhập số điện thoại di động để kích hoạt tài khoản. Nếu bạn chọn nhập số điện thoại hiện có ở Việt Nam thì tài khoản của bạn sẽ bị chặn truy cập dịch vụ. Do đó bạn cần sử dụng một số điện thoại thuộc quốc gia được hỗ trợ bởi OpenAI như Mỹ, Anh, vv.
- Bạn có thể sử dụng dịch vụ smspool để thuê số điện thoại với 1 thẻ Visa bất kỳ (có thể dùng thẻ ảo tạo bởi ngân hàng hoặc app Viettel Money) để nạp 1 USD credit.
- Vào mục Quick Order, chọn OpenAI/ChatGPT tại mục Service
- Tìm United Kingdom tại mục country để Purchase. Giá thuê 1 số điện thoại ở UK hiện tại dao động từ 0.1 USD đến 0.18USD.
- Thanh toán xong bạn sẽ thấy số điện thoại được thuê hiện ở mục Pending SMS. Bạn sử dụng số điện thoại này làm số điện thoại xác thực dịch vụ.
- Sau khi Submit số điện thoại xác thực, bạn đợi 1 chút sẽ nhận được mã xác thực gửi về số điện thoại được hiển thị ở smspool (có thể cần tải lại trang).
- Như vậy, bạn đã có thể kích hoạt thành công tài khoản OpenAI. Nếu không nhận được mã xác thực hoặc huỷ giao dịch, bạn có thể chọn Refund để được hoàn tiền.
OpenAI đang tăng cường việc chặn các truy cập từ các quốc gia không được hỗ trợ như Việt Nam. Hiện tại tôi vẫn có thể truy cập được ChatGPT không cần thông qua VPN nhưng nếu bạn muốn sử dụng các dịch vụ khác của OpenAI sẽ có thể phải truy cập thông qua VPN.
2.2. Giao diện sử dụng ChatGPT
ChatGPT có giao diện sử dụng cực kỳ đơn giản với một số tính năng cơ bản. Phần lớn màn hình làm việc tập trung vào ô chat để nhập yêu cầu và phần kết quả chứa văn bản phản hồi.
- New chat: bắt đầu cuộc hội thoại mới
- Clear conversations: xoá lịch sử hội thoại
- Light mode / Dark mode: Chọn giao diện sáng / tối
- Prompt: cửa sổ chat để nhập câu lệnh tương tác với chatbot
- Edit / Save & Submit: chỉnh sửa lại câu lệnh đã nhập và nhận kết quả phản hồi được cập nhật.
- Previous / Next: xem các kết quả phản hồi trước / sau từ câu lệnh được nhập vào.
- Like / Dislike: gửi phản hồi cho ChatGPT dựa trên kết quả nhận được nhằm cải thiện độ chính xác của phản hồi.
- Ghi nhớ lịch sử hội thoại: tính năng này giúp bạn chat với ChatGPT và luôn đảm bảo câu lệnh mới có tính liên kết với lịch sử chat đã có để thực hiện các nhiệm vụ.
2.3. Những lưu ý khi sử dụng ChatGPT
Dịch vụ ChatGPT được OpenAI cung cấp vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và được mở cho sử dụng với mục đích nghiên cứu chứ chưa được thương mại hoá do đó vẫn còn nhiều bất cập. Bạn đọc lưu ý một số điểm sau khi sử dụng ChatGPT để đảm bảo an toàn và hiệu quả theo khuyến cáo của OpenAI.
- ChatGPT có thể phản hồi với thông tin không chính xác hoặc sai lệch, thông tin mang tính xúc phạm hoặc thiên kiến. Bạn đọc cần cân nhắc khi sử dụng công cụ này để lấy lời khuyên và cần cẩn trọng khi sử dụng cho mục đích công việc.
- Vấn đề bảo mật của nội dung hội thoại không được đảm bảo. AI trainer có thể xem được trao đổi của bạn với ChatGPT. Do đó cần cẩn trọng khi gửi các thông tin cá nhân hoặc bí mật kinh doanh, tránh việc thông tin bảo mật của bạn có thể được dùng để cung cấp câu trả lời cho những người dùng khác.
2.4. Bí quyết khai thác tối đa ChatGPT
Khuyến nghị sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh khi tương tác với ChatGPT để có thể tận dụng sức mạnh của tập ngôn ngữ được huấn luyện và dùng các mẫu câu lệnh đã chứng minh hiệu quả thay vì dùng tiếng Việt. Một lý do khác, mặc dù ChatGPT hỗ trợ tiếng Việt nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia không nằm trong danh sách được cung cấp dịch vụ do đó sẽ có nhiều hạn chế về khả năng làm việc của mô hình máy học này.
2.4.1. Prompting
Nói 1 cách đơn giản, Prompt là thông tin bạn chỉ dẫn cho các công cụ AI để chúng thực hiện việc bạn muốn chúng làm.
Prompt là nền tảng cơ bản của các công cụ AI, bao gồm ChatGPT. Khả năng sử dụng prompt quyết định giá trị bạn có thể nhận được sau khi ra lệnh cho công cụ AI. Bạn có thể hỏi ChatGPT bằng những câu hỏi chung chung để nhận lại câu trả lời chung chung, tuy nhiên prompt càng cụ thể, chi tiết và chứa đựng bối cảnh của yêu cầu sẽ giúp bạn nhận được phản hồi có giá trị cao hơn.
2.4.2. Yêu cầu sử dụng văn phong và định dạng cụ thể (voice & style guide)
Prompt: Voice and style guide: Use simple language to convey complex ideas so that they are clear and easy to understand…
Một số bí quyết khi yêu cầu ChatGPT viết nội dung tuân theo văn phong và định dạng được yêu cầu như dưới đây. Bạn có thể thêm các câu lệnh ví dụ vào đoạn prompt của mình, dịch sang tiếng Việt để sử dụng nếu cần.
- Yêu cầu câu trả lời tập trung vào trọng tâm, bỏ qua lời dẫn và lời kết.
Return only main response. Remove pre-text and post-text
- Yêu cầu sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu cho “học sinh lớp 5”
Voice and style guide: Write at a 5th-grade level. Use clear and simple
language, even when explaining complex topics. Bias toward short sentences. Avoid jargon and acronyms.
- Yêu cầu nội dung được viết rõ ràng, dễ hiểu
Voice and style guide: Use simple language to convey complex ideas so that they are clear and easy to understand. Break down complex concepts into easy-to-understand frameworks and models. Provide actionable and practical takeaways.
- Yêu cầu viết nội dung dưới dạng hội thoại, dễ hiểu như khi trò chuyện với một người bạn
Voice and style guide: Write in a conversational, relatable style as if you were explaining something to a friend. Use natural language and phrasing that a real person would use in everyday conversations.
- Yêu cầu viết nội dung có sức hút và nổi bật
Voice and style guide: Use sentence fragments and figurative language. Write as a master of brevity would. Frequently use short, pithy sentences that pack a punch.
- Yêu cầu viết nội dung thuyết phục theo lối kể chuyện (story-telling)
Voice and style guide: Makes use of a persuasive tone, making use of rhetorical questions, and storytelling to engage readers. Use metaphors, analogies, and other literary devices to make points more relatable and memorable. Write in a way that is both informative and entertaining.
- Yêu cầu viết nội dung sáng tạo và giàu tính mô tả
Voice and style guide: Use descriptive and vivid language to create a sense of imagery and atmosphere. Use literary devices such as similes, metaphors, and personification to add depth and interest to the writing. Write in a way that is both imaginative and evocative.
- Yêu cầu viết nội dung “chuyên nghiệp” và giàu thông tin
Voice and style guide: Use a professional and informative tone. Use industry-specific language and terminology. Provide detailed and accurate information. Use statistics, research, and expert opinions to back up your argument. Write in a way that is both informative and knowledgeable.
- Yêu cầu viết nội dung trang trọng, có chiều sâu
Voice and style guide: Use a formal and academic tone paired with sophisticated vocabulary and grammar. Provide a thorough and in-depth analysis of the subject matter. Explain complex scientific concepts in a clear and accessible way. Use examples from a variety of fields, such as psychology and cognitive science. Present counter-arguments and dissenting opinions in a balanced and objective way.
- Định dạng câu trả lời sử dụng cú pháp Markdown
Format your response using markdown. Use headings, subheadings, bullet points, and bold to organize the information.
2.4.3. Yêu cầu đóng vai để đưa lời khuyên (playing role)
So sánh dễ hiểu, mỗi cuộc hội thoại với ChatGPT tựa như 1 đứa bé mới ra đời, nó không có chút thông tin nào về bối cảnh hay mục đích của việc bạn muốn nó thực hiện.
Để minh hoạ, tôi chuẩn bị đến thăm Hà Nội và tôi muốn hỏi ChatGPT cho lời khuyên về các bảo tàng tôi nên ghé thăm. Tôi nhập prompt như sau : “What are some museums that I can visit in Hanoi?” và câu trả lời nhận được tương đối hữu ích.
Tuy nhiên, tôi muốn ChatGPT đóng vai trò như một hướng dẫn viên du lịch và câu trả lời phải thực sự có ích với đầy đủ thông tin hơn. Hãy thử câu prompt sau, trong đó tôi muốn ChatGPT đóng vai một hướng dẫn viên du lịch, tôi mô tả cách thức tôi và nó sẽ tương tác với nhau và cách nó nên đưa ra câu trả lời như thế nào.
I want you to act as a travel guide. I will write you my location and you will suggest a place to visit near my location. In some cases, I will also give you the type of places I will visit. You will also suggest me places of similar type that are close to my first location. My first suggestion request is “I am in Hanoi and I want to visit museums.
Với câu prompt mới, ChatGPT giới hạn lại số địa điểm bảo tàng gợi ý cho tôi, đồng thời nó cung cấp mô tả ngắn gọn vì sao lại đưa ra lời khuyên này kèm địa chỉ của bảo tàng.
Ví dụ này dựa trên minh họa của Sam Szuchan với ebook Simple guide ChatGPT được tìm thấy trên Linkedin. Bạn có thể xem bài viết chi tiết kèm nhiều ví dụ minh hoạ cụ thể để thử nghiệm.
2.5. Làm gì khi gặp lỗi “ChatGPT Is At Capacity Right Now”?
Đôi khi bạn sẽ gặp lỗi ChatGPT Is At Capacity Right Now khi truy cập dịch vụ và thời gian gần đây bản thân tôi cũng gặp thường xuyên hơn. Thông báo này có nghĩa dịch vụ đã quá tải và tài nguyên máy chủ không đủ để xử lý tất cả yêu cầu đến từ người dùng. ChatGPT cũng thường xuyên gặp sự cố liên quan đến kết nối mạng (bao gồm thông báo trên và mã lỗi 1020). Dưới đây là một số gợi ý để vượt qua tình trạng trên:
- Tải lại trang ChatGPT: Đa số các trường hợp, bạn có thể vượt qua tình trạng quá tải của dịch vụ chỉ với thao tác đơn giản này.
- Tránh sử dụng trong các khung giờ cao điểm: Nếu bạn có trải nghiệm gặp dịch vụ bị quá tải trong một số khung giờ nhất định và không thể vượt qua lỗi này với cách đầu tiên thì có thể bạn đang truy cập vào khung giờ cao điểm. Trong trường hợp này, bạn hãy chọn “Get notified when we’re back” để ChatGPT thông báo cho bạn khi dịch vụ sẵn sàng.
III. Sử dụng ChatGPT trong các lĩnh vực
(Đang soạn thảo)
IV. Dẫn nguồn thông tin tham khảo
- Artificial Intelligence Weekly newsletter trên Linkedin
- Sam Szuchan – bài viết Simple guide ChatGPT trên Linkedin